Ngày 20/9, Thống đốc bang California Jerry Brown đã ký ban hành luật mới cấm các nhà hàng có nhân viên phục vụ tại bàn tự động cung cấp ống hút bằng nhựa dùng 1 lần cho khách hàng.
Đây là bang đầu tiên của Mỹ ban hành luật này.
Luật trên quy định nếu khách hàng tại các nhà hàng ở California muốn dùng đồ uống sử dụng ống hút bằng nhựa sẽ phải yêu cầu nhân viên thay vì có sẵn như trước.
Các nhà hàng không tuân thủ sẽ nhận được cảnh báo 2 lần trước khi bị áp mức phạt lên đến 300 USD/năm.
Tuy nhiên, luật này sẽ chỉ áp dụng cho các nhà hàng có nhân viên phục vụ tại bàn, không áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh đồ ăn nhanh. Các quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2019.
Thống đốc Brown bày tỏ hy vọng quy định mới sẽ hối thúc mỗi người “dừng lại và suy nghĩ” về một lựa chọn khác trước khi yêu cầu lấy ống hút.
Thống đốc California nhấn mạnh: “Đây là khâu rất nhỏ” đối với một khách hàng song là “một điều rõ ràng, chúng ta phải giảm và đi đến loại bỏ các sản phẩm nhựa dùng 1 lần. Nhựa có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới trong xã hội của chúng ta, nhưng sự ưa thích của chúng ta đối với sự tiện dụng của đồ dùng 1 lần đã dẫn đến những thảm họa”.
Các nhà lập pháp của Đảng Dân chủ lên tiếng ủng hộ luật mới này và cho rằng đó là một bước đi nhỏ hướng tới giảm ô nhiễm đại dương.
Tuy nhiên, một số ý kiến phản đối cho rằng luật mới của California là sự vi phạm của chính quyền bang và điều đó sẽ không có ý nghĩa trong việc cải thiện môi trường.
Một số người còn cho rằng việc hạn chế ống hút bằng nhựa gây tổn thương cho những người khuyết tật cần sử dụng chúng.
Nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới đã có những biện pháp mạnh tay nhằm đối phó với thảm họa từ các loại sản phẩm nhựa dùng 1 lần, như túi nylon, ống hút, dao nhựa và bông ngoáy tai.
Tháng 5 vừa qua, Liên minh châu Âu đã đề xuất một lệnh cấm các sản phẩm nhựa này trên phạm vi toàn khối đồng thời hối thúc thu gom các loại vỏ chai nhựa vào năm 2025.
Pháp dự kiến sẽ công bố một hệ thống các hình phạt vào năm 2019 nhằm tăng chi phí đối với những sản phẩm tiêu dùng làm bằng nhựa như cốc, đĩa và đồ đựng.
Trong khi đó, nhiều bang và doanh nghiệp của Australia cũng đã cấm sử dụng túi nylon./.